PHẬT NÓI KINH PHÁP ẤN

PHẬT NÓI KINH PHÁP ẤN

Dịch kinh tại Ấn Độ, Tam Tạng, quan triêu phụng đại phu thí Hồng Lư Khanh truyền pháp đại sư Thần Thí Hộ phụng chiếu dịch

Mùa Thu, ngày 14/09/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quang Đăng dịch Việt văn

Như vậy tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại thành Sravasthi cùng với các Tỳ Kheo. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ Kheo rằng: Các ông nên biết có thánh pháp ấn, ta nay sẽ phân biệt nói cho các ông. Các ông phải nên khởi tri kiến thanh tịnh, lắng nghe thọ trì, khéo tác ý, khéo nhớ nghĩ đó.

Thời các Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay, thưa Thế Tôn! Nguyện mong nói đó, chúng con thích muốn nghe.

Đức Phật nói: Này các Tỳ Kheo! Tánh không vô sở hữu, không có vọng tưởng, không có chỗ sanh, không có chỗ diệt, lìa các tri kiến. Tại sao? Tánh không chẳng có xứ sở, không có sắc tướng, chẳng có tưởng, vốn chẳng có chỗ sanh, tri kiến chẳng đến được, lìa các chấp có, do vì lìa chấp, nhiếp tất cả pháp, trụ kiến bình đẳng, là kiến chân thật. Này các Tỳ Kheo! Phải biết tánh không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đây gọi là pháp ấn.

Lại này các Tỳ Kheo! Pháp ấn này tức là ba giải thoát môn, là pháp căn bản của chư Phật, là mắt của chư Phật, đây tức là chỗ quy thú của chư Phật. Do đó, các ông lắng nghe thọ trì, khéo nhớ nghĩ đó, như thật quan sát.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Nếu có người tu hành, hoặc ở giữa rừng, hoặc ở dưới gốc cây, các chỗ tịch tĩnh, như thật quán sát sắc là khổ, là không, là vô thường, phải sanh nhàm chán, trụ kiến bình đẳng. Cũng vậy, quan sát thọ tưởng hành thức là khổ, là không, là vô thường, phải sanh nhàm chán, trụ kiến bình đẳng. Này các Tỳ Kheo! Các uẩn vốn không, do tâm sanh ra, tâm pháp đã diệt, thì các uẩn chẳng còn tạo. Rõ biết như vậy tức chánh giải thoát. Đã chánh giải thoát, thì lìa các tri kiến. Đây gọi là không giải thoát môn. Lại nữa, trụ trong định, quán các sắc cảnh thảy đều diệt tận, lìa các hữu tưởng. Quán thanh hương vị xúc pháp cũng đều diệt tận, lìa các hữu tưởng. Quán sát như vậy gọi là vô tưởng giải thoát môn. Đã nhập giải thoát môn này rồi, tức được tri kiến thanh tịnh. Vì do thanh tịnh này, tham sân si thảy đều diệt tận, trụ kiến bình đẳng. Trụ kiến này tức lìa ngã kiến và ngã sở kiến, liền rõ các kiến không chỗ sanh khởi, không chỗ y chỉ. Lại nữa, lìa ngã kiến rồi, tức không thấy, không nghe, không giác, không tri. Tại sao? Vì do nhân duyên mà sanh ra các thức. Các nhân duyên này và các thức sanh ra thảy đều vô thường. Do vô thường nên thức bất khả đắc. Thức uẩn đã không, không chỗ tạo tác. Đây gọi là vô tác giải thoát môn.

Nhập giải thoát môn này rồi, biết pháp cứu cánh, chẳng chấp trước nơi pháp, chứng pháp tịch diệt. Phật bảo: này các Tỳ Kheo! Đây gọi là thánh pháp ấn, tức là ba giải thoát môn. Tỳ Kheo các ông và những người tu học tức được tri kiến thanh tịnh.

Thời các Tỳ Kheo nghe pháp này xong, đều rất hoan hỷ, đảnh lễ tín thọ.


Phật nói kinh pháp ấn

Comments

Popular posts from this blog

KINH A DI ĐÀ TIẾNG PHẠN (SANSKRIT)

ṣaṇmukhī-dhāraṇī - Lục Diện dhāraṇī