Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

PHẬT NÓI KINH PHÁP ẤN

PHẬT NÓI KINH PHÁP ẤN

Dịch kinh tại Ấn Độ, Tam Tạng, quan triêu phụng đại phu thí Hồng Lư Khanh truyền pháp đại sư Thần Thí Hộ phụng chiếu dịch

Mùa Thu, ngày 14/09/2015, tại thành phố Hồ Chí Minh, Quang Đăng dịch Việt văn

Như vậy tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại thành Sravasthi cùng với các Tỳ Kheo. Bấy giờ Phật bảo các Tỳ Kheo rằng: Các ông nên biết có thánh pháp ấn, ta nay sẽ phân biệt nói cho các ông. Các ông phải nên khởi tri kiến thanh tịnh, lắng nghe thọ trì, khéo tác ý, khéo nhớ nghĩ đó.

Thời các Tỳ Kheo bạch Phật: Lành thay, thưa Thế Tôn! Nguyện mong nói đó, chúng con thích muốn nghe.

Đức Phật nói: Này các Tỳ Kheo! Tánh không vô sở hữu, không có vọng tưởng, không có chỗ sanh, không có chỗ diệt, lìa các tri kiến. Tại sao? Tánh không chẳng có xứ sở, không có sắc tướng, chẳng có tưởng, vốn chẳng có chỗ sanh, tri kiến chẳng đến được, lìa các chấp có, do vì lìa chấp, nhiếp tất cả pháp, trụ kiến bình đẳng, là kiến chân thật. Này các Tỳ Kheo! Phải biết tánh không như vậy, các pháp cũng như vậy. Đây gọi là pháp ấn.

Lại này các Tỳ Kheo! Pháp ấn này tức là ba giải thoát môn, là pháp căn bản của chư Phật, là mắt của chư Phật, đây tức là chỗ quy thú của chư Phật. Do đó, các ông lắng nghe thọ trì, khéo nhớ nghĩ đó, như thật quan sát.

Lại nữa, này Tỳ Kheo! Nếu có người tu hành, hoặc ở giữa rừng, hoặc ở dưới gốc cây, các chỗ tịch tĩnh, như thật quán sát sắc là khổ, là không, là vô thường, phải sanh nhàm chán, trụ kiến bình đẳng. Cũng vậy, quan sát thọ tưởng hành thức là khổ, là không, là vô thường, phải sanh nhàm chán, trụ kiến bình đẳng. Này các Tỳ Kheo! Các uẩn vốn không, do tâm sanh ra, tâm pháp đã diệt, thì các uẩn chẳng còn tạo. Rõ biết như vậy tức chánh giải thoát. Đã chánh giải thoát, thì lìa các tri kiến. Đây gọi là không giải thoát môn. Lại nữa, trụ trong định, quán các sắc cảnh thảy đều diệt tận, lìa các hữu tưởng. Quán thanh hương vị xúc pháp cũng đều diệt tận, lìa các hữu tưởng. Quán sát như vậy gọi là vô tưởng giải thoát môn. Đã nhập giải thoát môn này rồi, tức được tri kiến thanh tịnh. Vì do thanh tịnh này, tham sân si thảy đều diệt tận, trụ kiến bình đẳng. Trụ kiến này tức lìa ngã kiến và ngã sở kiến, liền rõ các kiến không chỗ sanh khởi, không chỗ y chỉ. Lại nữa, lìa ngã kiến rồi, tức không thấy, không nghe, không giác, không tri. Tại sao? Vì do nhân duyên mà sanh ra các thức. Các nhân duyên này và các thức sanh ra thảy đều vô thường. Do vô thường nên thức bất khả đắc. Thức uẩn đã không, không chỗ tạo tác. Đây gọi là vô tác giải thoát môn.

Nhập giải thoát môn này rồi, biết pháp cứu cánh, chẳng chấp trước nơi pháp, chứng pháp tịch diệt. Phật bảo: này các Tỳ Kheo! Đây gọi là thánh pháp ấn, tức là ba giải thoát môn. Tỳ Kheo các ông và những người tu học tức được tri kiến thanh tịnh.

Thời các Tỳ Kheo nghe pháp này xong, đều rất hoan hỷ, đảnh lễ tín thọ.


Phật nói kinh pháp ấn

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG

ĐẠI CHÁNH TÂN TU ĐẠI TẠNG KINH

BỘ KINH TẬP

KINH ĐẠI PHƯƠNG ĐẲNG NHƯ LAI TẠNG
Số: 0666

Đời Đông Tấn, tại Thiên Trúc, Tam tạng Buddhadhadra dịch
Quang Đăng dịch Việt văn
Dịch xong ngày 1/8/2015 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam


Như vậy tôi nghe: Một thời đức Phật ở tại thành Sravasthi trên núi Gridhrakuta, trong giảng đường Ratnacandra có lầu gác được xây dựng bằng gỗ chiên đàn, bấy giờ khi Phật thành đạo đã mười năm, cùng một trăm ngàn đại Tỳ kheo và sáu mươi hằng hà sa Bồ Tát Ma Ha Tát, thảy đều thành tựu sức đại tinh tấn, đã từng cúng dường trăm ngàn triệu nayuta chư Phật, thảy đều có thể chuyển bất thoái pháp luân, nếu có chúng sanh nào nghe tên các ngài, ở trong đạo vô thượng, trọn chẳng thoái chuyển. Tên của các ngài là: Pháp Tuệ Bồ Tát, Sư Tử Tuệ Bồ Tát, Kim Cương Tuệ Bồ Tát, Điều Tuệ Bồ Tát, Diệu Tuệ Bộ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát, Bảo Nguyệt Bồ Tát, Mãn Nguyệt Bồ Tát, Dũng Mãnh Bồ Tát, Vô Lượng Dũng Bồ Tát, Vô Biên Dũng Bồ Tát, Siêu Tam Giới Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Hương Thượng Bồ Tát, Hương Thượng Thủ Bồ Tát, Thủ Tạng Bồ Tát, Nhật Tạng Bồ Tát, Tràng Tướng Bồ Tát, Đại Tràng Tướng Bồ Tát, Ly Cấu Tràng Bồ Tát, Vô Biên Quang Bồ Tát, Phóng Quang Bồ Tát, Ly Cấu Quang Bồ Tát, Hỷ Vương Bồ Tát, Thường Hỷ Bồ Tát, Bảo Thủ Bồ Tát, Hư Không Tạng Bồ Tát, Ly Kiêu Mạn Bồ Tát, Tu Di Sơn Bồ Tát, Quang Đức Vương Bồ Tát, Tổng Trì Tự Tại Vương Bồ Tát, Tổng Trì Bồ Tát, Diệt Chúng Bệnh Bồ Tát, Liệu Nhất Thiết Chúng Sanh Bệnh Bồ Tát, Hoan Hỷ Niệm Bồ Tát, Yếm Ý Bồ Tát, Thường Yếm Bồ Tát, Phổ Chiếu Bồ Tát, Nguyệt Minh Bồ Tát, Bảo Tuệ Bồ Tát, Chuyển Nữ Thân Bồ Tát, Đại Lôi Âm Bồ Tát, Đạo Sư Bồ Tát, Bất Hư Kiến Bồ Tát, Nhất Thiết Pháp Tự Tại Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Manjusri Bồ Tát. Như thế có sáu mươi hằng hà sa Bồ Tát Ma Ha Tát từ vô lượng cõi Phật phương khác đến. Lại có vô lượng chư thiên, long, Dạ xoa, Gandharva, Asura, Garuda, Kinnara, Mahoraga v.v... thảy đều đến trong hội, tôn trọng cúng dường đức Thế Tôn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn ở trên lầu được xây bằng gỗ chiên đàn, chánh tọa tam muội mà hiện thần biến, hiện ra vô lượng hoa sen ngàn cánh lớn như bánh xe, sắc hương đầy đủ nhưng chưa nở hoa. Bên trong mỗi hoa có một hóa Phật bay lên hư không trùm khắp thế giới giống như màn báu. Mỗi một hoa sen phóng vô lượng vô biên ánh sáng. Tất cả hoa sen cùng lúc nở ra, do Phật thần lực nên trong khoảnh khắc thảy đều tàn úa. Bên trong mỗi hoa đều có một hóa Phật ngồi kiết già phóng vô số trăm ngàn ánh sáng. Trong cõi này lúc đó trang nghiêm thù đặc, tất cả đại chúng hoan hỷ vui mừng, cảm thấy kỳ quái chưa từng có, trong lòng đều tự hỏi rằng: Nay do nhân duyên gì mà vô số diệu hoa bỗng nhiên tàn héo, rũ xuống đen xấu, hôi dơ rất đáng nhàm chán?

Bấy giờ, đức Thế Tôn biết chỗ nghi của chư Bồ Tát và đại chúng, bảo Kim Cương Tuệ Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Trong Phật pháp, nếu có chỗ nghi, ông cứ hỏi.

Thời Kim Cương Tuệ Bồ Tát biết lòng nghi của đại chúng, bèn bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên gì vô số hoa sen bên trong đều có một hóa Phật bay lên hư không trùm khắp thế giới, rồi trong khoảnh khắc đều tàn héo. Tất cả hóa Phật mỗi vị đều phóng vô số trăm ngàn ánh sáng, mọi người trong hội thấy được đều chắp tay cung kính? Bấy giờ, Kim Cương Tuệ Bồ Tát dùng kệ hỏi rằng:

Con xưa chưa từng thấy,
Thần biến như hôm nay,
Thấy Phật trăm ngàn triệu,
Ngồi trên đài hoa sen,
Đều phóng vô số quang,
Trùm khắp các thế giới,
Ly cấu các đạo sư,
Trang nghiêm các thế giới,
Hoa sen bỗng tàn úa,
Ai cũng sanh chán ghét.
Nay do nhân duyên gì,
Lại hiện thần biến vậy?
Con gặp hằng sa Phật,
Và vô lượng thần biến,
Chưa từng thấy như nay,
Nguyện Phật phân biệt nói.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Kim Cương Tuệ và chư Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Có Kinh đại phương đẳng tên là Như Lai Tạng, nay ta muốn diễn thuyết nên hiện điềm ứng như vậy. Các ông lắng nghe, khéo tư niệm đó.

Tất cả đại chúng đều nói rằng: Lành thay! Con nguyện vui muốn nghe.

Phật nói: Này thiện nam tử! Như Phật biến hóa ra vô số hoa sen bỗng nhiên tàn úa, vô lượng hóa Phật ở trong hoa sen tướng hảo trang nghiêm ngồi kiết già, phóng đại quang minh, mọi người thấy hy hữu ai cũng cung kính. Như thế, này thiện nam tử! Ta dùng Phật nhãn thấy tất cả chúng sanh, ở trong các phiền não tham dục, sân khuể, ngu si, đều có trí Như Lai, nhãn Như Lai, thân Như Lai, ngồi kiết già nghiễm nhiên bất động. Này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh tuy trong thân phiền não, nhưng có tạng Như Lai thường chẳng nhiễm ô, đức tướng cụ túc như ta không khác. Lại này, thiện nam tử! Thí như người có thiên nhãn xem hoa chưa nở, lại thấy trong mỗi hoa đều có thân Như Lai ngồi kiết già, trừ bỏ hoa úa liền được hiển hiện. Như thế, này thiện nam tử! Phật thấy Như Lai tạng của chúng sanh, muốn khiến khai nở mà thuyết Kinh pháp, trừ diệt phiền não, hiển hiện Phật tánh. Này thiện nam tử! Pháp của chư Phật, hoặc Phật xuất thế hoặc chẳng xuất thế, tạng Như Lai của tất cả chúng sanh thường trụ chẳng biến đổi, chỉ bị phiền não chúng sanh che chướng. Đức Như Lai ra đời rộng thuyết chánh pháp, trừ diệt trần lao, tịnh nhất thiết trí. Này thiện nam tử! Nếu có Bồ Tát tin vui pháp này, chuyên tâm tu học liền được giải thoát, thành đẳng chánh giác, rộng vì thế gian thí tạo Phật sự.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như hoa héo rũ,
Hoa này chưa khai nở,
Người thiên nhãn quán thấy,
Như Lai thân vô nhiễm,
Trừ bỏ hoa héo đi,
Thấy đạo sư vô ngại.
Vì chưa đoạn phiền não,
Tối thắng xuất thế gian,
Phật thấy loài chúng sanh,
Đều có Như Lai tạng,
Vô lượng phiền não che,
Giống như hoa dơ bọc.
Ta vì các chúng sanh,
Trừ diệt phiền não đó,
Rộng nói chánh pháp cho,
Khiến nhanh thành Phật đạo.
Ta dùng Phật nhãn thấy,
Tất cả thân chúng sanh,
Phật tạng an ổn trụ,
Thuyết pháp khiến khai hiện.

Lại này, thiện nam tử! Thí như mật nguyên chất ở trong bọng cây, vô số con ong vây quanh bảo hộ. Thời có người thông minh phương tiện, trước trừ bầy ong, sau lấy được mật, tùy ý ăn dùng, đem cho gần xa. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Tất cả chúng sanh có Như Lai tạng như mật nguyên chất ở trong bọng cây, vì bị các phiền não che chướng, giống như mật bị đàn ong thủ hộ. Ta dùng Phật nhãn như thật quán thấy, dùng thiện phương tiện tùy ứng thuyết pháp, diệt trừ phiền não, khai tri kiến Phật, rộng vì thế gian thí tạo Phật sự.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như mật bọng cây,
Vô lượng ong vây quanh,
Người thông minh phương tiện,
Trước trừ bỏ bầy ong,
Như Lai tạng chúng sanh,
Giống như mật bọng cây,
Kiết sử trần lao trói,
Như bầy ong thủ hộ.
Ta vì các chúng sanh,
Phương tiện nói chánh pháp,
Diệt trừ ong phiền não,
Khai phát tạng Như Lai,
Cụ túc vô ngại biện,
Diễn nói pháp cam lộ,
Rộng độ thành chánh giác,
Đại bi tế quần sanh.

Lại nữa, này thiện nam tử! Thí như đống lúa chưa bóc cám trấu, người ngu khinh tiện cho là đáng quăng bỏ. Nếu trừ bỏ cám trấu, còn gạo trắng tinh thường có thể ăn dùng. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Ta dùng Phật nhãn quán các chúng sanh bị phiền não che chướng vô lượng tri kiến Như Lai, nên dùng phương tiện thích hợp thuyết pháp, khiến trừ phiền não, tịnh nhất thiết trí, trong các thế gian thành tối chánh giác.

Bấy giờ đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như một đống lúa,
Cám trấu chưa trừ sạch,
Người ngu mới cho rằng,
Vật này đáng quăng bỏ,
Ngoài tuy tự vô dụng,
Trong thật chẳng hủy hoại,
Trừ bỏ cám trấu đi,
Là đồ ăn vương giả.
Ta thấy loài chúng sanh,
Phiền não ẩn Phật tạng,
Nên nói pháp trừ diệt,
Khiến được nhất thiết trí,
Giống ta Như Lai tánh,
Chúng sanh cũng như vậy,
Khai hóa khiến thanh tịnh,
Nhanh thành đạo vô thượng.

Lại này, thiện nam tử! Thí như vàng ròng ở trong chỗ dơ, ẩn mất chẳng hiện, trải qua năm tháng, vàng ròng chẳng hoại nhưng không ai biết được. Có người thiên nhãn nói với mọi người rằng: Trong đám ô uế kia có vàng ròng chơn bảo, mọi người lấy ra tùy ý thọ dụng. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Chỗ bất tịnh dụ cho vô lượng phiền não, vàng ròng chơn bảo dụ cho tạng Như Lai. Người có thiên nhãn dụ cho đức Như Lai. Thế nên, đức Như Lai rộng thuyết pháp khiến các chúng sanh trừ diệt phiền não, tất cả đều thành chánh giác, thí tạo Phật sự.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Như vàng chỗ ô uế,
Ẩn mất chẳng ai thấy,
Người thiên nhãn mới thấy,
Liền bảo với mọi người,
Các ông nếu lấy ra,
Rồi tẩy rửa cho sạch,
Tùy ý mà thọ dụng,
Quyến thuộc tất giàu có.
Mắt thiện thệ cũng vậy,
Quán các loài chúng sanh,
Ở trong bùn phiền não,
Như Lai tánh chẳng hoại,
Tùy ứng mà thuyết pháp,
Khiến biện tất cả sự,
Phật tánh phiền não che,
Nhanh trừ khiến thanh tịnh.

Lại này, thiện nam tử! Thí như nhà người nghèo có kho trân bảo, trân bảo chẳng thể tự nói rằng ta ở tại đây. Họ chẳng tự biết, lại cũng chẳng có ai chỉ, nên chẳng thể khai mở kho trân bảo này. Tất cả chúng sanh cũng giống như vậy. Tri kiến Như Lai, lực vô sở úy, đại pháp bảo tạng ở tại trong thân mà chẳng nghe chẳng thấy, đam mê ngũ dục, luân chuyển sanh tử thọ vô lượng khổ. Thế nên chư Phật xuất hiện nơi đời mở pháp tạng Như Lai trong thân của chúng sanh, khiến chúng tin nhận, tịnh nhất thiết trí, rộng vì chúng sanh mở tạng Như Lai, vô ngại biện tài làm đại thí chủ. Cũng vậy, này thiện nam tử! Ta dùng Phật nhãn quán thấy các chúng sanh có tạng Như Lai, nên vì các Bồ Tát mà nói pháp này.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như nhà người nghèo,
Trong có kho trân bảo,
Chủ nhà chẳng thấy biết,
Trân bảo chẳng tự nói,
Quanh năm ôm ngu tối,
Chẳng có ai chỉ dạy,
Có báu mà chẳng biết,
Nên thường mắc nghèo khổ.
Phật nhãn quán chúng sanh,
Tuy lưu chuyển ngũ đạo,
Đại bảo ở trong thân,
Thường tại chẳng biến dịch.
Quan sát như vậy rồi,
Vì chúng sanh thuyết pháp,
Khiến biết được bảo tạng,
Giàu có, lợi ích người.
Nếu tin lời của ta,
Mọi người có bảo tạng,
Siêng tin hành phương tiện,
Đều thành đạo vô thượng.

Lại này, thiện nam tử! Thí như hột trái am la chẳng hư hoại, đem gieo xuống đất sẽ thành cây đại thụ. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Ta dùng Phật nhãn quán các chúng sanh có bảo tạng Như Lai trong xác vô minh, như hột trong trái quả. Thiện nam tử! Như Lai tạng trong sáng, chẳng nóng bức, đại trí tuệ, tụ diệu, tịch tĩnh niết bàn, gọi là Như Lai, ứng cúng, đẳng chánh giác. Này thiện nam tử! Như Lai quán chúng sanh như vậy rồi, vì Bồ Tát Ma Ha Tát tịnh Phật trí nên hiển hiện nghĩa này.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như trái am la,
Trong hột chẳng hủy hoại,
Đem gieo trồng xuống đất,
Tất sẽ thành đại thụ.
Như Lai nhãn vô lậu,
Quán tất cả chúng sanh,
Như Lai tạng trong thân,
Như hột trong hoa quả,
Vô minh che tạng Phật,
Các ông phải tin biết,
Tam muội trí cụ túc,
Tất cả chẳng thể hoại,
Thế nên ta nói pháp,
Khai mở Như Lai tạng,
Nhanh thành vô thượng đạo,
Như quả thành thọ vương.

Lại nữa, này thiện nam tử! Thí như có người mang tượng vàng ròng đi qua nước khác, giữa đường hiểm lộ, nhiều giặc cướp chiếm đoạt. Ông liền dùng vật dơ quấn lại tượng vàng để chẳng ai biết được. Người này bỗng chết giữa đường, tượng vàng rơi nơi đồng hoang, người đi đường đều cho rằng vật bất tịnh. Người đắc thiên nhãn thấy trong vật dơ có tượng vàng ròng, liền lấy ra để mọi người lễ kính. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Ta thấy chúng sanh có đủ thứ phiền não, trong đêm dài lưu chuyển sanh tử vô lượng. Diệu tạng Như Lai ở tại trong thân, nghiễm nhiên thanh tịnh như ta chẳng khác. Thế nên đức Phật vì chúng sanh thuyết pháp, đoạn trừ phiền não, tịnh trí Như Lai, rồi lại hóa đạo tất cả thế gian.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Như người mang tượng vàng,
Đi qua đến nước khác,
Quấn vật dơ quanh tượng,
Rơi ở tại đồng hoang,
Người thiên nhãn thấy đó,
Liền bảo mọi người rằng,
Bỏ uế hiện chơn tượng,
Tất cả đại hoan hỷ.
Ta thiên nhãn cũng vậy,
Quán các loài chúng sanh,
Ác nghiệp phiền não trói,
Sanh tử bị nhiều khổ.
Lại thấy các chúng sanh,
Trong vô minh trần cấu,
Như Lai tánh chẳng động,
Chẳng ai hủy hoại được,
Phật đã thấy như vậy,
Vì các Bồ Tát nói,
Phiền não các ác nghiệp,
Che chướng thân tối thắng,
Phải siêng tịnh trừ đoạn,
Hiển xuất trí Như Lai,
Trời người rồng quỷ thần,
Chỗ tất cả quy ngưỡng.

Lại này, thiện nam tử! Thí như cô gái bần tiện xấu xí, bị mọi người chê ghét, mà mang thai quý tử, sẽ làm Chuyển Luân Thánh Vương cai quản bốn thiên hạ. Cô gái này chẳng biết, trải qua thời tiết, thường nghĩ tưởng mình sẽ sanh ra đứa con hạ liệt bần tiện. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Như Lai quan sát tất cả chúng sanh luân chuyển sanh tử, thọ các khổ độc, nhưng trong thân đều có bảo tạng Như Lai, như cô gái kia chẳng biết đang mang thai quý tử. Thế nên Như Lai rộng thuyết pháp, bảo rằng: Này thiện nam tử! Chớ tự khinh mình. Trong tự thân của các ông đều có Phật tánh. Nếu siêng cần tinh tấn diệt các lỗi ác, liền thọ nhận danh hiệu Bồ Tát và Thế Tôn, hóa đạo tế độ vô lượng chúng sanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như cô gái nghèo,
Sắc mạo rất xấu xí,
Mà mang thai quý tử,
Sẽ làm Chuyển Luân Vương,
Bảy báu để trang nghiêm,
Vua của bốn thiên hạ,
Nhưng cô chẳng tự biết,
Thường nghĩ con hạ liệt.
Ta quán các chúng sanh,
Bị khổ cũng như vậy,
Thân mang Như Lai tạng,
Mà chẳng tự giác biết,
Thế nên bảo Bồ Tát,
Chớ tự khinh thân mình,
Như Lai tạng thân ông,
Thường có sáng cứu thế,
Nếu siêng cần tinh tấn,
Chẳng lâu ngồi đạo tràng,
Thành tối chánh giác đạo,
Độ thoát vô lượng chúng.

Lại nữa, này thiện nam tử! Thí như thợ đúc tượng đúc tượng vàng ròng, đúc thành rồi bèn để dưới đất, bên ngoài tuy đen ám nhưng vàng trong tượng bất biến, bỏ sạch bụi ám tượng ánh sắc vàng vi diệu. Cũng như vậy, này thiện nam tử! Như Lai quan sát tất cả chúng sanh, Phật tạng tại trong thân, đủ tướng cụ túc. Quán như vậy rồi, rộng hiển thuyết pháp để các chúng sanh liền được trong sáng, dùng tuệ kim cương đập phá phiền não, khai tịnh Phật thân như xuất tượng vàng.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Thí như thợ đúc vàng,
Vô lượng tượng vàng ròng,
Người ngu thấy bên ngoài,
Chỉ thấy đất đen nám,
Thợ đúc để cho nguội,
Đập ra tượng vàng hiện,
Ô uế đã trừ sạch,
Tướng tốt tự nhiên hiện.
Ta dùng Phật nhãn quán,
Loài chúng sanh cũng vậy,
Phiền não ở trong bùn,
Đều có Như Lai tánh,
Thọ dùng tuệ kim cương,
Đập phá mạc phiền não,
Khai phát tạng Như Lai,
Như vàng ròng hiển hiện,
Như chỗ ta quan sát,
Nói cho các Bồ Tát,
Các ông khéo thọ trì,
Chuyển hóa các quần sanh.

Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Kim Cương Tuệ Bồ Tát Ma Ha Tát rằng: Hoặc xuất gia, hoặc tại gia, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường, rộng nói cho người Kinh Như Lai Tạng này, sẽ được công đức không thể lường được. Này Kim Cương Tuệ! Nếu có Bồ Tát vì Phật đạo, siêng hành tinh tấn, tu tập thần thông, nhập các tam muội muốn sinh cội đức, cúng dường hằng hà sa hiện tại chư Phật, tạo hằng hà sa lầu đài bảy báu cao 80 kilomet, dài rộng đều 8 kilomet, bày sàng tọa bảy báu, trải y cõi trời, trước mỗi một đức Phật, hằng ngày tạo lập hằng hà sa lầu đài thất bảo, đem phụng hiến mỗi một đức Như Lai và chư Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng, như thế cúng dường khắp tất cả hằng hà sa hiện tại chư Phật. Cũng như thế, người này sau đó đem năm mươi hằng hà sa lầu đài để cúng dường năm mươi hằng hà sa hiện tại chư Phật và chư Bồ Tát, Thanh Văn đại chúng, trải qua vô lượng trăm ngàn vạn kiếp. Này Kim Cương Tuệ! Cũng chẳng bằng có người vui thích Bồ Đề, thọ trì, đọc tụng, biên chép, cúng dường Kinh Như Lai Tạng này nhẫn đến một thí dụ. Này Kim Cương Tuệ! Công đức của người này vô lượng vô biên không gì so sánh được. Này Kim Cương Tuệ! Thiện nam tử trước tuy ở trước chư Phật trồng các thiện căn phước đức vô lượng, nhưng chẳng bằng công đức của người thọ trì Kinh này, trăm phần chẳng bằng một phần, ngàn phần chẳng bằng một phần, nhẫn đến toán số thí dụ cũng chẳng bằng được.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Nếu người cầu Bồ Đề,
Nghe trì Kinh điển này,
Biên chép mà cúng dường,
Nhẫn đến một câu kệ,
Như Lai tạng vi diệu,
Khoảnh khắc phát tùy hỷ,
Lắng nghe chánh giáo này,
Công đức không lường được.
Nếu người cầu Bồ Đề,
Trụ đại thần thông lực,
Muốn cúng Phật mười phương,
Bồ Tát Thanh Văn chúng,
Số đó hơn hằng sa,
Triệu năm chẳng nghĩ bàn,
Vì mỗi một chư Phật,
Tạo lập đài diệu bảo,
Đài cao tám mươi cây,
Ngang rộng tám cây số,
Trong thí tòa bảy báu,
Nghiêm sức đủ diệu bảo,
Trải đệm ngồi cõi trời,
Mỗi tòa đều thù dị,
Vô lượng quá hằng sa,
Hiến Phật và đại chúng,
Đều đem đây phụng hiến,
Ngày đêm chẳng dừng nghỉ,
Mãn trăm ngàn vạn kiếp,
Phước đức được như vậy,
Người tuệ nghe Kinh này,
Năng trì một thí dụ,
Rồi vì người giải nói,
Phước này hơn phước kia,
Nhẫn đến nơi toán số,
Thí dụ chẳng bằng được,
Chỗ sở y chúng sanh,
Nhanh thành vô thượng đạo,
Bồ Tát hãy tư duy,
Thậm thâm Như Lai tạng,
Biết chúng sanh đều có,
Đều thành đạo vô thượng.

Bấy giờ, Thế Tôn lại bảo Kim Cương Tuệ Bồ Tát rằng: Quá khứ cách nay vô lượng vô biên, bất khả tư nghị a tăng kỳ kiếp về trước, bấy giờ có đức Phật hiệu Thường Phóng Quang Minh Vương Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn. Này Kim Cương Tuệ! Tại sao đức Phật đó có tên là Thường Phóng Quang Minh Vương?

Này Kim Cương Tuệ! Đức Phật đó lúc hành Bồ Tát đạo, ở trong thai mẹ thường phóng quang minh triệt chiếu mười phương trăm ngàn vi trần thế giới chư Phật. Nếu có chúng sanh thấy ánh sáng này tất cả đều hoan hỷ, phiền não tất diệt, sắc lực đầy đủ, niệm trí thành tựu, được vô ngại biện. Nếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, diêm la vương, Asura v.v... thấy ánh sáng này, đều lìa ác đạo sanh trong trời người. Nếu chư thiên nhân thấy ánh sáng này đều chẳng thoái chuyển đạo vô thượng, đủ năm thần thông. Nếu ai đã bất thoái chuyển đều được vô sanh pháp nhẫn, năm mươi công đức toàn Dharani.

Này Kim Cương Tuệ! Cõi nước nơi ánh sáng đó chiếu đến thảy đều nghiêm tịnh như lưu ly cõi trời, vàng ròng làm dây phân thành tám đường, đủ thứ cây báu hoa quả sum sê, hương thơm phảng phất, gió thổi làm động phát ra diệu âm diễn xướng công đức Tam Bảo, Bồ Tát, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo, thiền định giải thoát. Chúng sanh nghe được đều được pháp hỷ, tín lạc kiên cố, vĩnh viễn xa lìa ác đạo. Này Kim Cương Tuệ! Tất cả chúng sanh trong mười phương thế giới gặp được ánh sáng này, ngày đêm sáu thời chắp tay cung kính.

Này Kim Cương Tuệ! Bồ Tát đó từ lúc nhập thai, xuất sanh, đến khi thành Phật, nhập vô dư niết bàn, thường phóng quang minh. Sau khi nhập niết bàn, tháp miếu thờ xá lợi cũng thường phóng ánh sáng. Do nhân duyên này, nên chư thiên, người đời đặt tên là Thường Phóng Quang Minh Vương. Này Kim Cương Tuệ! Thường Phóng Quang Minh Vương Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác lúc mới thành Phật, trong pháp đó có một Bồ Tát tên là Vô Biên Quang, cùng hai mươi triệu Bồ Tát quyến thuộc. Vô Biên Quang Bồ Tát Ma Ha Tát ở chỗ đức Phật đó, hỏi Kinh Như Lai Tạng này. Đức Phật đó diễn thuyết ngồi một chỗ trải qua năm mươi đại kiếp, hộ niệm tất cả chư Bồ Tát, âm thanh rộng đến trăm ngàn vi trần thế giới chư Phật mười phương, vì chư Bồ Tát diễn nói vô số nhân duyên, trăm ngàn thí dụ, nói Kinh điển đại thừa Như Lai tạng. Chư Bồ Tát nghe thuyết Kinh này, thọ trì, đọc tụng, như thuyết tu hành, tất cả đều đã thành Phật, chỉ trừ bốn Bồ Tát. Này Kim Cương Tuệ! Ông chớ nghĩ Vô Biên Quang Bồ Tát là người nào khác, chính là thân ta đó. Bốn Bồ Tát chưa thành Phật là Manjusiri Bồ Tát, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát, và ông Kim Cương Tuệ đây. Này Kim Cương Tuệ! Kinh Như Lai Tạng năng làm lợi ích lớn, nếu có người nghe được đều thành Phật đạo.

Bấy giờ, đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên bèn nói kệ rằng:

Quá khứ vô số kiếp,
Phật hiệu Quang Minh Vương,
Thường phóng đại quang minh,
Phổ chiếu vô lượng cõi,
Vô Biên Quang Bồ Tát,
Lúc Phật mới thành đạo,
Thỉnh hỏi Kinh điển này,
Phật liền vì diễn thuyết,
Ai gặp được tối thắng,
Mà nghe được Kinh này,
Đều đã thành Phật đạo,
Chỉ trừ bốn Bồ Tát,
Manju, Quán Thế Âm,
Đại Thế, Kim Cương Tuệ,
Bốn vị Bồ Tát này,
Đều từng nghe pháp đây,
Kim Cương Tuệ là ông,
Đệ nhất thần thông tử.
Thời hiệu Vô Biên Quang,
Đã từng nghe Kinh này,
Ta xưa lúc cầu đạo,
Chỗ Phật Sư Tử Tràng,
Cũng từng thọ Kinh này,
Như văn thuyết tu hành,
Ta nhân thiện căn này,
Nhanh được thành Phật đạo.
Do đó chư Bồ Tát,
Phải trì nói Kinh này,
Nghe rồi hành như lời,
Thành Phật như ta nay.
Nếu ai trì Kinh này,
Phải lễ như Thế Tôn,
Nếu ai được Kinh này,
Gọi là chủ Phật pháp,
Tức bảo hộ thế gian,
Được chư Phật khen ngợi.
Nếu ai trì Kinh này,
Người này là pháp vương,
Đây là mắt thế gian,
Phải khen như Thế Tôn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói Kinh này xong, Kim Cương Tuệ và các Bồ Tát, tứ chúng quyến thuộc, thiên, nhân, Gandharva, Asura v.v... nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.



Kinh Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng