Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

PHẬT NÓI KINH CHA MẸ ÂN NẶNG KHÓ BÁO ĐÁP



PHẬT NÓI KINH CHA MẸ ÂN NẶNG KHÓ BÁO ĐÁP

Đời Diêu Tần, Tam Tạng pháp sư Cưu Ma La Thập phụng chiếu dịch

Mùa xuân, tháng 3 năm 2013, Seoul, Hàn Quốc, Trần Quang Đăng dịch Việt văn



Như vậy tôi nghe: Một thời, Phật tại thành Xá Vệ, trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc, cùng chúng đại Tỳ Kheo hai ngàn năm trăm người, các Bồ Tát Ma Ha Tát tất cả ba vạn tám ngàn người.

Bấy giờ, Thế Tôn dẫn đầu đại chúng đi thẳng về phương nam, bỗng thấy bên đường có một đống xương. Khi đó, đức Như Lai hướng đống xương khô đó, ngũ thể sát đất, cung kính lễ bái.

A Nan chắp tay bạch rằng: Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai là đại sư của tam giới, là cha lành của tứ sanh, được chúng nhân quy kính, nay do nhân duyên gì lại lễ bái xương khô?

Phật bảo A Nan: Các ông tuy là đệ tử đứng đầu của ta, xuất gia đã lâu, mà biết sự chưa rộng. Đống xương khô này, có thể là tổ tiên đời trước của ta, là cha mẹ nhiều đời của ta. Do nhân duyên này ta nay lễ bái.

Phật bảo A Nan: Ông nay hãy phân đống xương khô này thành hai phần. Nếu là xương nam, thì màu trắng lại nặng. Nếu là xương nữ, thì màu đen lại nhẹ.

A Nan bạch rằng: Thế Tôn! Người nam lúc còn sống, áo đai, dép mũ, ăn mặc, cột tóc, buộc áo, nhìn qua mới biết là thân người nam. Người nữ lúc còn sống, thoa son, bôi phấn, hoặc tẩm dầu thơm; trang sức như vậy, nhìn mới biết là thân người nữ. Mà nay đã chết, chỉ toàn là xương trắng, lại bảo chúng đệ tử làm sao nhận được.

Phật bảo A Nan: Nếu là người nam, lúc còn sống, họ đi vào Già Lam[1], nghe giảng kinh luật, lễ bái Tam Bảo, niệm danh hiệu Phật; do đó xương của họ màu trắng lại nặng. Người nữ ở thế gian, trí lực ngắn, dễ bị sa vào tình cảm, họ sanh con dưỡng cái, lấy đó làm thiên chức. Mỗi lần sanh con, lại dùng sữa nuôi sống mạng nó, sữa chính do máu biến thành. Mỗi một đứa trẻ bú sữa mẹ tám hộc bốn đấu, số sữa trắng rất nhiều. Do đó người nữ tiều tụy, xương hiện màu đen, trọng lượng cũng nhẹ.

A Nan nghe xong, tim liền đau như cắt, khóc thương rơi lệ bạch rằng: Thế Tôn! Ân đức của người mẹ làm sao báo đáp?

Phật bảo A Nan: Ông nay lắng nghe, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói. Người mẹ mang thai, thường phải trải qua mười tháng rất đau khổ. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ nhất, thai nhi như hạt sương nằm trên cỏ, sáng sớm không đảm bảo đến chiều tối; sớm mai đọng lại, thì trưa đã tan mất. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ hai, thai nhi giống như váng sữa tụ lại. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ ba, thai nhi giống như cục máu tụ lại. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ tư, thai nhi mới bắt đầu thành hình người. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ năm, thai nhi ở trong bụng mẹ, hình thành năm bào. Những gì là năm? Đầu là một bào, hai tay hai chân, mỗi cái một bào, cộng lại thành năm bào. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ sáu, thai nhi ở trong bụng mẹ đều đã khai mở đủ sáu tinh. Những gì là sáu? Mắt là tinh thứ nhất, tai là tinh thứ hai, mũi là tinh thứ ba, miệng là tinh thứ tư, lưỡi là tinh thứ năm, và não là tinh thứ sáu. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ bảy, thai nhi hình thành ba trăm sáu mươi đốt xương, tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ tám, thai nhi hình thành ý trí, nhận biết, và hoàn thiện chín lỗ.[2] Lúc người mẹ mang thai tháng thứ chín, thai nhi ở trong bụng mẹ biết hấp thụ thức ăn, tinh chất của các loại quả như đào, lê, tỏi, tinh hoa của ngũ cốc. Lúc này, thai nhi trong bụng mẹ, sanh tạng[3] hướng xuống, thục tạng[4] hướng lên, giống như mặt đất có núi mọc. Núi có ba tên gọi: Một tên Tu Di, hai tên núi nghiệp, ba tên núi máu. Các núi thí dụ này, cùng lúc đổ sụp tạo thành khe rãnh. Máu của người mẹ ngưng thành thức ăn cho thai nhi cũng giống như vậy. Lúc người mẹ mang thai tháng thứ mười, toàn thân hài nhi đã hoàn thành, chờ đến ngày sanh sản. Nếu đứa con hiếu thuận, thì chắp tay nắm tay, an tường xuất sanh, không tổn thương người mẹ, mẹ không bị khổ. Nếu đứa con ngũ nghịch, nó phá tổn thai mẹ, xé tâm can mẹ, đạp xương chậu mẹ, giống như có ngàn đao chém, ngàn lưỡi dao cứa vào tim.

Trải qua các trọng khổ như vậy, người mẹ mới sanh được con. Nếu phân tích thành lời, thì còn có mười ân.

Một là, ân thủ hộ, gìn giữ lúc mang thai. Hai là, ân thọ khổ lúc sinh đẻ. Ba là, ân sanh con thì mất hết lo lắng. Bốn là, ân nuốt đắng nhả ngọt. Năm là, ân nhường khô nằm ướt. Sáu là ân nhũ bộ dưỡng dục. Bảy là, ân giặt rửa đồ bất tịnh. Tám là, ân nhớ nghĩ lúc đi xa. Chín là, ân thương con hơn cả thân mình. Mười là, ân trọn đời yêu thương.

Một là, ân thủ hộ, gìn giữ lúc mang thai, Phật nói kệ rằng:

Nhân duyên nặng nhiều kiếp,
Nay sanh vào thai mẹ,
Tháng qua sanh ngũ tạng,
Bảy bảy sáu tinh khai.
Thân nặng như núi lớn,
Động chuyển sợ hư thai,
Áo đẹp không muốn mặc,
Trang kính dính trần ai.

Hai là, ân thọ khổ lúc sanh sản, Phật nói kệ rằng:

Mang thai đủ mười tháng,
Sanh khó sắp kề đến,
Sáng chiều như bệnh nặng,
Ngày ngày như buồn ngủ.
Sợ hãi khó nói hết,
Lệ buồn khắp trong lòng,
Ngậm ngùi báo thân tộc,
Chỉ sợ chết đến gần.

Ba là, ân sanh con thì mất hết lo lắng, Phật nói kệ rằng:

Ngày mẹ hiền sanh con,
Ngũ tạng đều tung mở,
Thân tâm đều rất bức,
Máu chảy tựa mổ dê.
Sanh xong nghe con khỏe,
Vui mừng hơn bình thường,
Vui hết đau lại đến,
Thống khổ thấu tâm trường.

Bốn là, ân nuốt đắng nhả ngọt, Phật nói kệ rằng:

Cha mẹ ân sâu nặng,
Thương con không lúc dừng,
Nhả ngọt không ngưng nghỉ,
Nuốt đắng mày chẳng nhăn.
Ái trọng, tình khó nhẫn,
Ân sâu, lại thương hơn,
Chỉ khiến con no đủ,
Mẹ hiền đói chẳng từ.

Năm là, ân nhường khô nằm ướt, Phật nói kệ rằng:

Mẹ nguyện thân nằm ướt,
Đổi con nằm chỗ khô,
Hai vú thỏa đói khát,
Vạt áo che gió lạnh.
Ân thương, thường bỏ gối,
Cưng đùa làm con vui,
Chỉ khiến con an ổn,
Mẹ hiền an chẳng cầu.

Sáu là, ân nhũ bộ dưỡng dục, Phật nói kệ rằng:

Mẹ hiền như đại địa,
Lòng cha sánh bằng trời,
Ân che chở đồng đẳng,
Ân cha mẹ cũng vậy.
Mắt không ghét không giận,
Tay chân trói chẳng hiềm,
Bụng sanh, hôn con đẻ,
Trọn ngày nhớ cùng thương.

Bày là, ân giặt rửa đồ bất tịnh, Phật nói kệ rằng:

Vốn là hoa phù dung,
Tinh thần khỏe lại xinh,
Lông mày xanh non liễu,
Sắc mặt hơn sen hồng.
Ân sâu hủy dáng ngọc,
Tẩy rửa tổn chậu rồng,
Chỉ vì thương con cái,
Mẹ hiền đổi nhan dung.

Tám là, ân nhớ nghĩ lúc đi xa, Phật nói kệ rằng:

Tử biệt thật khó nhẫn,
Sanh ly thật cũng thương,
Con ra ngoài quan ải,
Mẹ nhớ tại tha hương.
Sáng tối tâm mong ngóng,
Lệ chảy đếm ngàn dòng,
Như vượn khóc ái tử,
Thốn thốn đoạn ruột gan.

Chín là, ân thương con hơn cả thân mình, Phật nói kệ rằng:

Cha mẹ ân tình nặng,
Ân sâu báo thật khó,
Con khổ, nguyện thay nhận,
Con cực, mẹ bất an.
Nghe con đến xứ khác,
Thương con tối nằm lạnh,
Con cái tạm cực khổ,
Lâu khiến mẹ thương tâm.

Mười là, ân trọn đời yêu thương, Phật nói kệ rằng:

Cha mẹ ân sâu nặng,
Ân thương không lúc dừng,
Đứng ngồi tâm tương tục,
Xa gần ý theo trông.
Mẹ năm một trăm tuổi,
Thường lo con tám mươi,
Muốn biết ân ái đoạn,
Mạng chết mới phân ly.

Phật bảo A Nan: Ta xem chúng sanh tuy mang thân người, nhưng tâm hành ngu tối, chẳng nghĩ đại ân đức của cha mẹ, chẳng sanh cung kính, vong ân bội nghĩa, lòng không có nhân từ, bất hiếu bất thuận.

Người mẹ mang thai con trải qua mười tháng, đứng ngồi chẳng an, như mang vác gánh nặng, ăn uống không tiêu, như người bệnh trường kỳ. Đến đủ tháng sắp sanh, mẹ chịu nhiều thống khổ, ngay lúc sanh sản thì sợ sẽ chết, máu chảy khắp đất giống như giết heo dê.

Người mẹ thọ khổ như vậy mới sanh được thân con; rồi nuốt đắng nhả ngọt, bảo trì dưỡng dục, giặt rửa đồ bất tịnh, mà chẳng sợ lao nhọc. Lại chịu rét chịu nóng, người mẹ chẳng từ đắng cay, chỗ khô con nằm, chỗ ướt mẹ ngủ.

Đứa con trong ba năm đầu thường uống máu trắng của mẹ. Rồi từ trẻ thơ, đồng tử, đến khi trưởng thành, cha mẹ thường vì con dạy đạo lễ nghĩa, dựng vợ, gả chồng. Cha mẹ còn lo chuẩn bị tiền, đi kiếm việc làm cho con. Gánh vác cực khổ như vậy, cần khổ gấp trăm, mà chẳng bao giờ nói ân huệ. Đến khi con cái có bệnh, cha mẹ lo lắng, lo quá sanh bệnh là việc thường tình. Bệnh con nếu khỏi, thì bệnh mẹ mới dứt.

Dưỡng dục như thế, chỉ mong con được thành người. Nhưng khi con trưởng thành, nó trái lại bất hiếu; ông bà, người thân góp ý, nó chẳng biết thuận tùng, ứng đối vô lễ, dùng mắt ác ngó họ. Nó lừa dối, xúc phạm chú bác, đánh chửi anh em, phá hoại, bôi nhọ thân tình, không có lễ nghĩa. Tuy đã từng ăn học, nhưng chẳng tuân theo lời dạy khuyên răn, cha mẹ có khuyên bảo, thì phần lớn không nghe theo. Anh em góp ý, thì trái lại công kích gây gỗ. Ra vào đến đi không báo cha mẹ; lời nói, hành động cao ngạo, chỉ thích làm theo ý mình. Dù cha mẹ có trách phạt, chú bác nói trái, nhưng họ thương xót đứa trẻ thơ dại, nên được người lớn che chở, bảo vệ.

Dần dần đến khi trưởng thành, nó hung hãn, tàn ác, chẳng điều thuận, không nhẫn chịu được mình thua thiệt, trái lại sanh sân hận. Nó vứt bỏ người thân, bạn lành, lại đi kết bạn với kẻ ác. Do nhiễm thói quen lâu ngày thành tính, nó nhận đúng thành sai.

Hoặc bị người dụ, nó cãi lại cha mẹ, bỏ đi đến xứ khác, ly gia biệt quyến, hoặc theo nghề kinh doanh, môi giới, hoặc làm chính trị. Thời gian dần trôi qua, gặp dịp kết hôn, cưới vợ, lấy chồng, do phải lo nhiều việc, từ lâu nó chẳng trở về nhà.

Hoặc ở tại xứ khác, vì không cẩn thận, nó bị người mưu hại, hoặc gây gỗ đánh nhau, hoặc bị người cài bẫy, nên oan uổng tù tội, bị nhốt trong lao ngục. Hoặc gặp bệnh hoạn, ách nạn bủa vây, hoặc bị tù khổ đói gầy, không ai đối đãi chăm sóc; hoặc bị người ghét bỏ, bị đẩy lang thang đầu đường xó chợ, khi người này mệnh chung, không ai lo lắng cứu chữa, thân thể sình trương thối rữa, bị nắng nóng gió thổi, xương trắng phiêu bạt khắp nơi.

Hoặc nó đến nơi xứ khác, hoan hỷ, sum họp với thân tộc người, quên bỏ từ ân, chẳng biết cha mẹ già luôn mang ưu niệm, hoặc do khóc thầm mà mắt tối, mù lòa; hoặc do bi ai, nên tinh thần nghẽn thành bệnh; hoặc do nhớ con, mà gầy yếu tử vong, trở thành quỷ giữ hồn, mà chưa từng cắt dứt nỗi thương con.

Hoặc khi cha mẹ nghe con chẳng lo học hành, kết giao, đi theo bạn ác, mê tín dị đoan, tính tình vô lại, thô lỗ, cứng đầu, chỉ giỏi học theo những điều vô ích, thích đánh nhau, gây gỗ, trộm cướp, xúc phạm làng xóm, cờ bạc, rượu chè, gian lận, dối trá, đầy các tội lỗi, lại lôi kéo anh em, não loạn cha mẹ; sáng sớm đã ra khỏi nhà, đến chiều tối mới quay trở lại, chẳng hỏi sức khỏe ông bà cha mẹ đi đứng lạnh nóng thế nào; từ đầu tháng đến cuối tháng, chẳng bao giờ giúp đỡ, phụ giúp gia đình, dọn dẹp giường gối; lại chẳng nghe biết, hay hỏi thăm cuộc sống thường ngày của cha mẹ ra sao. Thời gian thấm thoát trôi qua, cha mẹ tuổi dần cao, hình mạo suy yếu, họ xấu hổ khi gặp người khác, nhẫn chịu bị lừa dối, bắt nạt.

Hoặc có người cha góa vợ, người mẹ góa chồng, một mình trong nhà vắng, giống như khách ở nhà người khác, lạnh nóng đói khát chẳng ai quan tâm. Nếu người có hiếu thì ngày đêm thường khóc, tự than tự trách mình, vâng lời, dâng đồ ăn ngon, cung cấp, nuôi dưỡng tôn thân. Nếu thuộc loại người ngông cuồng, không biết sự này, thường hay xấu hổ, sợ người chê cười cha mẹ nó quái dị.

Hoặc nó mang của cải, thức ăn cung dưỡng vợ con mà không biết mỏi mệt, không trốn tránh xấu hổ; thê thiếp thúc ép, mọi việc đều làm theo; nhưng khi cha mẹ hay giận trách, thì hoàn toàn không chút kính sợ.

Hoặc nếu là con gái vừa kết duyên với người khác, lúc chưa lấy chồng, thì ai cũng đều hiếu thuận; cưới xin xong xuôi, thì bất hiếu liền tăng. Cha mẹ chỉ nhẹ trợ mắt, nó liền sanh oán hận; bị chồng đánh chửi, thì nhẫn chịu cam tâm; họ hàng của người khác, thì tình thâm quyến trọng, còn cốt nhục gia đình mình, thì chối bỏ cho là không thân. Hoặc theo chồng đi ra quận khác, xứ khác, ly biệt cha mẹ, không tâm thương nhớ, đoạn tuyệt tin tức, thư từ chẳng qua lại; vì thế, khiến cha mẹ thấp thỏm nhớ mong, ruột bụng treo móc, mỗi khắc chẳng thể an, giống như bị treo ngược; trong từng suy nghĩ, thường mong được thấy mặt con, như khát nước, như tương tư. Suy nghĩ thương yêu đeo bám người, không lúc nào tạm dừng.

Ân đức của cha mẹ vô lượng vô biên, tội bất hiếu, khi chết khó kể hết báo ứng.
Bấy giờ, đại chúng nghe lời Phật nói ân nặng của cha mẹ, thân đều nằm sát đất, dùng tay tự đấm ngực, lỗ chân lông trên thân thảy đều ra máu, té xỉu ra đất, hồi lâu mới tỉnh lại, đồng thanh xướng rằng: Khổ thay! Khổ thay! Thống thay! Thống thay! Chúng tôi hôm nay đúng thật là tội nhân, từ xưa đến nay chưa được giác ngộ, tâm tính ngu muội như đi trong đêm tối, nay ngộ biết là sai, tim mật đều tan nát. Duy nguyện Thế Tôn thương xót, giúp cho cách nào mới báo được thâm ân cha mẹ?

Bấy giờ, Như Lai liền dùng tám loại Phạm âm vi diệu bảo các đại chúng rằng: Các ông phải biết, ta nay sẽ vì các ông phân biệt giải nói. Giả sử có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ, nghiền da đến xương, xuyên xương đến tủy, đi vòng quanh núi Tu Di, trải qua trăm ngàn kiếp, máu chảy ngập đến mắt cá chân, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người, lúc gặp nạn mất mùa đói kém, cắt thịt của mình băm nhỏ như vi trần đem cho cha mẹ, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người vì cha mẹ, tay cầm dao bén khoét tròng mắt của mình đem dâng Như Lai, trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người vì cha mẹ, cũng dùng dao bén cắt tim gan mình, máu chảy khắp đất, chẳng từ thống khổ, trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người vì cha mẹ, dùng trăm ngàn đao kích cùng lúc đâm vào thân mình, phải trái đều xuyên thủng, trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người vì cha mẹ, đập xương ra tủy, trải qua trăm ngàn kiếp, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ. Giả sử có người vì cha mẹ, nuốt hòn sắt nóng, trải qua trăm ngàn kiếp, khắp thân đều cháy đen, cũng chẳng thể báo được thâm ân cha mẹ.

Bấy giờ, đại chúng nghe lời Phật nói ân đức của cha mẹ, khóc lóc rơi lệ, tim đau như cắt, cùng bàn luận với nhau, suy nghĩ hết cách, trong lòng rất hổ thẹn, đồng bạch Phật rằng: Bạch Thể Tôn! Chúng tôi ngày nay quả thật là tội nhân. Làm sao mới báo được thâm ân cha mẹ?

Phật bảo đệ tử: Muốn báo được ân, thì nên biên chép kinh này cho cha mẹ, đọc tụng kinh này cho cha mẹ, vì cha mẹ sám hối tội lỗi sai lầm, vì cha mẹ cúng dường Tam Bảo, vì cha mẹ thọ trì trai giới, vì cha mẹ bố thí tu phước. Nếu có thể làm được như vậy, mới được gọi là đứa con hiếu thuận. Nếu chẳng làm được những việc này, thì đó là người Địa Ngục.[5]

Phật bảo A Nan: Những người bất hiếu, khi thân hoại mạng chung, phải đọa vào A Tỳ Vô Gián Địa Ngục. Ở trong đại Địa Ngục này, ngang rộng tám vạn do tuần, bốn bên đều có thành bằng sắt, cạm bẫy giăng khắp nơi. Trong ngục có sắt, lửa lớn bùng lên khắp chốn, lửa cháy thiêu rất mạnh, sấm chớp giáng khắp nơi; lại có nước đồng sôi, sắt nóng, tưới rót vào tội nhân. Lại có chó đồng, rắn sắt thường nhả khói lửa thiêu cháy, nướng luộc tội nhân; lại có mỡ dầu bốc cháy, thống khổ đến cùng cực, thật khó kham khó nhẫn. Lại có nhiều giáo treo, giáo đồng bay đâm trúng người; lại có thương sắt, vòng sắt, chùy sắt, kích sắt, cây kiếm, vòng đao, như mây như mưa từ trên không bay xuống, hoặc chém hoặc đâm, để khổ phạt tội nhân. Tai họa này phải trải qua một kiếp[6], không lúc nào tạm dừng.

Tội nhân lại còn phải vào các Địa Ngục khác, chịu đầu đội chậu lửa, xe sắt nghiền thân, chạy ngang dọc khiến bụng ruột đứt lìa, xương thịt nát vụn. Trong một ngày phải chịu cảnh sanh tử ngàn vạn lần. Thọ khổ như thế, đều do thân đời trước ngũ nghịch[7] bất hiếu, nên phải chịu tội này.

Bấy giờ, A Nan và các đại chúng Thiên, Long, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, nhân, phi nhân, và các tiểu vương, Chuyển Luân Thánh Vương, nghe lời Phật nói xong, lông tóc trên thân đều dựng đứng, thương khóc nghẹn họng chẳng thể tự kềm được. Mỗi người đều phát nguyện rằng: Chúng tôi từ nay đến tận đời vị lai, thà đập nát thân này nhỏ như vi trần trải qua trăm ngàn kiếp, thề chẳng trái thánh giáo của Như Lai; thà dùng móc sắt kéo lưỡi mình dài một do tuần, dùng cày kéo lên đó, máu chảy thành sông, trải qua trăm ngàn kiếp, thề chẳng trái thánh giáo của Như Lai; thà dùng trăm ngàn vòng dao chém vào thân mình xuyên thủng đứt lìa, thề chẳng trái thánh giáo của Như Lai; thà dùng lưới sắt trói khắp thân, trải qua trăm ngàn kiếp, thề chẳng trái thánh giáo của Như Lai; thà dùng cối xay, chày giã, giã nát thân này thành trăm ngàn vạn đoạn, da thịt, gân cốt thảy đều đứt lìa, trải qua trăm ngàn kiếp, trọn chẳng trái thánh giáo của Như Lai.

Bấy giờ, A Nan từ chỗ ngồi an tường đứng dậy, bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì? Phải phụng trì thế nào?

Phật bảo A Nan: Kinh này tên là Kinh Cha Mẹ Ân Nặng Khó Báo Đáp. Ông nên theo đó phụng trì.

Bấy giờ, đại chúng, trời người, A Tu La v.v… nghe lời Phật nói đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành, tác lễ lui ra.

KINH CHA MẸ ÂN NẶNG KHÓ BÁO ĐÁP
Hết


[1] Già Lam: Chùa chiền, miếu tự.
[2] Chín lỗ: cửu khiếu, là 2 mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu môn và lỗ cơ quan sinh dục.
[3] Sanh tạng: ruột, thận, bàng quang
[4] Thục tạng: tim, gan, phổi, bao tử, mật, thực quản.
[5] Người địa ngục: có 2 loại, một là hiện tiền địa ngục, hai là vãng sanh địa ngục.
Hiện tiền địa ngục: Là người tuy còn sống trên thế gian, nhưng do làm các điều bất thiện, nghiệp ác, nên phải chịu quả báo đại khổ như ở địa ngục, như thân thể lở loét, gầy còm thương tổn, mủ máu rỉ chảy, thân tâm không lúc nào được an, gặp đủ các nạn, chịu bao sự thống khổ cùng cực mà không thể giải thoát.
Vãng sanh địa ngục: Là người tạo nghiệp ác, sau khi mạng chung, phải sinh vào địa ngục thọ đủ các khổ, không cách nào giải thoát.
Người hiện tiền địa ngục khi còn sống trên đời, nếu thực hành các hạnh lành, gặp thiện tri thức, tin vào thanh tịnh từ bi, bố thí trì giới, thì các nghiệp địa ngục mỏng dần, tùy vào tâm thức của người đó mà được thoát khổ.
Người vãng sanh địa ngục, phải thọ khổ đến khi nào nghiệp ác địa ngục dứt hẳn mới được thoát khỏi cảnh khổ địa ngục. Như người sanh vào địa ngục A Tỳ, phải thọ khổ một kiếp. Hết một kiếp rồi, nghiệp ác mỏng dần mới được sanh vào loài khác.
[6] Kiếp: Tiếng Phạn là Kalpa, là danh từ dùng để chỉ một khoảng thời gian rất dài. Có rất nhiều thuyết để xác định thời gian một kiếp:
Thuyết 1: Cho rằng một kiếp bắt đầu khi một tam thiên đại thiên thế giới hình thành. Một thế giới là một thiên hà, một ngàn thiên hà thành một tiểu thiên thế giới, một ngàn tiểu thiên thế giới là một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới tạo thành một đại thiên thế giới. Ba ngàn đại thiên thế giới như vậy tạo thành một cõi. Khi cõi này mới bắt đầu hình thành thì gọi là sơ kiếp (cách gọi khác là thành kiếp), cõi này phát triển thì gọi là trụ kiếp, cõi này diệt hoại thì gọi là hoại kiếp, lúc cõi này bị 4 nạn địa, thủy, hỏa, phong diệt hết, cháy sạch trơn giống như hư không, thì gọi là kiếp tận (hay còn gọi là Không). Một kiếp bắt đầu từ lúc kiếp sơ đến lúc kiếp tận, thời gian tính bằng ngàn triệu tỷ tỷ năm. (thuyết này được tập hợp từ Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm – Phẩm Hoa Tạng Thế Giới; và Luận Phật Thừa Tông Yếu – Thái Hư Đại Sư – quyển 1). Thế giới Ta Bà của Phật Thích Ca Mâu Ni chính là cõi của Ba ngàn đại thiên thế giới này.
Thuyết 2: Cho rằng Kiếp có 4 loại: (thuyết này tính theo Kinh điển của Hindu – Bà La Môn giáo)
-          Thường kiếp: Xấp xỉ dài khoảng 16 triệu năm (16,798,000 năm);
-          Tiểu kiếp: Gồm 1000 thường kiếp, xấp xỉ 16 tỷ năm;
-          Trung kiếp: Gồm 20 tiểu kiếp, xấp xỉ khoảng 320 tỷ năm;
-          Đại kiếp: Gồm 4 trung kiếp, khoảng 1.28 ngàn tỷ năm.
Thuyết 3: Cho rằng một Kiếp thời gian khó thể nghĩ bàn. Cụ thể trong Kinh Chánh Pháp Đại Tập Hội, đức Phật cho rằng một kiếp dài khoảng:
1. Thí như có người xây một thành lớn, rộng mười hai do tuần (khoảng 96km - Theo phong tục Ấn Độ, một do tuần là 30 dặm, còn theo kinh điển Phật giáo chỉ là 16 dặm; 1 dặm = 500m, 1 do tuần = 8km), cao ba do tuần (24km), ở trong thành đó chứa đầy kín hột mè. Bỗng có một người một trăm năm đến một lần, cầm một hột mè ném ra ngoài. Như thế một lần đến một lần ném, đến khi mè ném hết, thành cũng hư hoại, số lượng kiếp đó cũng lại chưa hết.
2. Lại nữa, thí như có một núi lớn rộng hai mươi lăm do tuần (200km), cao mười hai do tuần (96km), có Trời Trường Thọ, một trăm năm đến ngồi trên đó một lần, dùng áo Kiều Thi Ca lau đá núi. Như thế một lần đến một lần lau, đến khi lau mòn hết núi kia, số lượng kiếp đó cũng lại chưa hết.
Một thời, có một số Tỳ Kheo muốn biết có bao nhiêu kiếp đã trôi qua. Đức Phật đã lấy một ví dụ:
Nếu ông đếm hết số cát của sông hằng từ chỗ khởi nguồn đến điểm cuối ra biển, thậm chí, số đó còn ít hơn số kiếp đã trôi qua.
[7] Ngũ nghịch: Năm tội nghịch, là giết cha, giết mẹ, hại A La Hán, phá Tăng hòa hợp, ác tâm làm thân Phật ra máu. Riêng tội ác tâm làm thân phật ra máu, như đâm, chém, đánh đập Phật... Ngày nay Phật không còn tại thế, nếu ai có ác tâm phá hủy chùa chiền, đập phá Thánh tượng của Phật và chư Bồ Tát thì đồng với tội làm thân Phật ra máu.
Người nào phạm năm tội này phải đọa vào A Tỳ Địa Ngục thọ khổ một kiếp.